Nội Dung
Phân luồng hải quan là một bước vô cùng quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu. Vậy bạn hiểu phân luồng hải quan là gì? Hãy cùng Aramex tìm hiểu về việc phân luồng hải quan trong việc xuất nhập khẩu nhé.
Xem thêm:
Phân luồng hải quan là gì ?
Trong tiến trình hội nhập cùng nền kinh tế thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu ở nước ta diễn ra mạnh mẽ và phức tạp. Cùng với đó, Hải quan Việt Nam đã tiến hành phân luồng hàng hóa xuất nhập khẩu (gọi tắt là phân luồng Hải quan) nhằm giám sát kiểm tra, quản lí hàng hóa ra vào lãnh thổ nước ta. Hàng hóa được phân thành 3 luồng: luồng xanh, luồng vàng, và luồng đỏ.
Cụ thể:
Phân luồng hải quan màu xanh: miễn kiểm tra chi tiết hàng hóa.
Phân luồng hải quan màu vàng: hải quan kiểm tra chi tiết hồ sơ (chứng từ giấy), không kiểm tra chi tiết hàng hóa.
Phân luồng hải quan màu đỏ: hải quan kiểm tra chi tiết hồ sơ, và tiến hành kiểm tra trực tiếp hàng hóa.
Xem thêm: Thủ tục hải quan là gì?
Quá trình thực hiện phân luồng hải quan và các quy định về kiểm tra thực tế hàng hóa là gì?
Theo quyết định 874/QĐ- TCHQ ngày 15/5/2006 của Tổng cục hải quan, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa thương mại bao gồm 5 bước:
- Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra sơ bộ, đăng kí tờ khai, quyết định hình thức, mức độ kiểm tra.
- Bước 2: Tại bước này, thông tin từ bước 1 sẽ được nhập vào máy, tự động xử lí và đưa ra Lệnh hình thức, mức độ kiểm tra.
- Bước 3: Kiểm tra thực tế hàng hóa
- Bước 4: Thu lệ phí hải quan, đóng dấu đã làm thủ tục hải quan và trả tờ khai cho người khai hải quan
- Bước 5: Phúc tập hồ sơ
Như vậy việc phân luồng hải quan theo xanh, vàng và đỏ sẽ được thực hiện sau bước 1. Hàng hóa được phân luồng chính thức tại bước 2. Theo đó, lệnh hình thức sẽ đưa ra các kết quả nhằm quyết định mức độ kiểm tra hàng hóa.
Hàng hóa của bạn có thể vào các luồng sau:
- Luồng xanh: doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hải quan, miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ (chứng từ giấy) và miễn kiểm tra chi tiết hàng hóa. Thông thường thì các hàng xuất đi đều đặn vào luồng xanh khá nhiều. Hàng hóa xuất nhập khẩu được chấp nhận thông quan từ nguồn thông tin khai hải quan điện tử, miễn kiểm tra chứng từ và đi thẳng đến bước 4: Thu lệ phí, đóng dấu sau đó phúc tập hồ sơ.
- Luồng vàng: Nếu kết quả cho ra luồng vàng hải quan kiểm tra chi tiết hồ sơ (chứng từ giấy), không kiểm tra chi tiết hàng hóa. Nếu không phát hiện bất cứ vi phạm nào quá trình thông quan sẽ chuyển sang bước 4 giống như luồng xanh.
- Luồng đỏ: Trường hợp cho kết quả phân luồng hải quan là đỏ thì hải quan kiểm tra chi tiết hồ sơ, và tiến hành kiểm tra trực tiếp hàng hóa. Với các mức độ kiểm tra thực tế lô hàng dựa theo thông tư 112/2005/TT-BTC như sau:
Kiểm tra thực tế không quá 5% lô hàng: được tiến hành nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật hải quan của chủ hàng, nếu không có dấu hiệu sai phạm thì kết thúc kiểm tra, nếu có thì tiếp tục kiểm tra cho đến khi xác định được mức độ vi phạm.
Kiểm tra thực tế 10% lô hàng: hàng hóa thuộc diện miễn kiểm tra thực tế nhưng cơ quan hải quan qua phân tích thông tin phát hiện thấy có dấu hiệu sai phạm, tiến hành kiểm tra nếu không sai phạm thì kết thúc kiểm tra, nếu có thì tiếp tục kiểm tra cho đến khi xác định được mức độ vi phạm.
Kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng: đối với hàng hóa có chủ hàng nhiều lần vi phạm pháp luật về hải quan.
Những điều kiện cơ bản để phân luồng tờ khai hải quan là gì?
+ Đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp
+ Quản lý rủi ro đối với hàng hóa
Theo quy định hiện hành,
Việc đánh giá tuân thủ pháp pháp luật của doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí sau:
- a) Tần suất vi phạm pháp luật hải quan và pháp luật thuế;
- b) Tính chất, mức độ vi phạm pháp luật hải quan và pháp luật thuế;
- c) Việc hợp tác với cơ quan hải quan trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và chấp hành các quyết định khác của cơ quan hải quan.
(khoản 1 Điều 14 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP)
Phân loại tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp được chia thành:
- a) Doanh nghiệp ưu tiên;
- b) Doanh nghiệp tuân thủ;
- c) Doanh nghiệp không tuân thủ.
(Điều 8, Thông tư 38/2015/TT-BTC)
Việc quản lý rủi ro đối với hàng hóa được đánh giá trên những tiêu chí sau:
- a) Chính sách quản lý hàng hóa, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh;
- b) Lĩnh vực, loại hình, thời gian hoạt động, tuyến đường, địa bàn, phương tiện vận chuyển, lưu giữ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh;
- c) Đặc điểm, tính chất, xuất xứ, tần suất, mức độ vi phạm liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh;
- d) Các quy định khác liên quan đến quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.
(Điều 12, Thông tư 38/2015/TT-BTC)
Các tiêu chí, kết quả phân tích, đánh giá rủi ro được thiết lập, áp dụng trên Hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan. Khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai, Hệ thống điện tử của hải quan sẽ tự động đối chiếu thông tin trên tờ khai hải quan với các phân lớp nhóm tiêu chí nêu trên, kết hợp với sử dụng các thuật toán để phân luồng quyết định kiểm tra.
Tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có thể thuộc các một trong ba luồng: Luồng xanh (miễn kiểm tra trực tiếp hồ sơ và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa); Luồng vàng (kiểm tra trực tiếp hồ sơ) và Luồng đỏ (kiểm tra trực tiếp hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa).
Trong trường hợp tờ khai của quý Doanh nghiệp thông thường đang ra luồng xanh, đột nhiên có tờ khai luồng vàng hoặc luồng đỏ cũng chưa cần quá chú ý. Tuy nhiên, nếu sau tờ khai luồng vàng, luồng đỏ, doanh nghiệp không vi phạm gì mà tờ khai vẫn tiếp tục không ra luồng xanh, hàng hóa không nằm trong hàng hóa trọng điểm … thì doanh nghiệp nên rà soát lại có thể có lỗi nhỏ gì chưa giải quyết, vd: quên nộp lệ phí.
Trên đây là toàn bộ thông tin cũng như điều kiện phân luồng hải quan là gì. Nếu như cần tìm thêm thông tin nào khác, hãy liên hệ hoặc cập nhật những bài viết mới nhất từ Aramex.