Nội Dung
Chắc hẳn trên báo đài, tivi hay các trang mạng xã hội ít nhiều các bạn cũng đã từng nghe đến cụm từ “xuất-nhập khẩu” rồi phải không? Nhưng để có được cái nhìn rộng và rõ nhất về chúng chắc không phải ai cũng biết. Hôm nay hãy cùng Aramex tìm hiểu xem xuất khẩu là gì và những thông tin có liên quan nhé!
I. Tìm hiểu về thông tin có liên quan đến xuất khẩu
1. Các khái niệm về xuất khẩu
1.1. Khái niệm xuất khẩu là gì?
Chúng ta vẫn hay hiểu nôm na xuất khẩu là việc xuất bán hàng hóa trong nước ra nước ngoài. Tuy nhiên để hiểu xuất khẩu hàng hóa là gì một cách quy chuẩn hơn, bạn có thể căn cứ vào 2 định nghĩa sau:
Theo wikipedia thì Xuất khẩu (hay còn gọi là xuất cảng) là việc bán hàng hóa hoặc dịch vụ của một quốc gia sang các quốc gia khác.
Đây không phải là hoạt động bán hàng đơn lẻ mà là một hệ thống bán hàng có tổ chức, có sự giám sát quản lý của cấp nhà nước cả bên trong lẫn bên ngoài với mục đích thu lợi nhuận, tăng thu ngoại tệ, phát triển nền kinh tế quốc gia,…
Theo Luật thương mại 2005, điều 28 khoản 1 thì khái niệm xuất khẩu hơi mang tính vĩ mô hơn. Cụ thể: “Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, các hoạt động xuất khẩu được diễn ra trên cơ sở thanh toán bằng tiền tệ của một trong 2 quốc gia, hoặc lấy đồng tiền của một bên thứ 3 làm căn cứ. Ví dụ, Việt Nam xuất hàng sang Đài Loan thì có thể giao dịch bằng tiền Việt Nam (đồng nội tệ), tiền Đài Loan hoặc sử dụng đồng USD (đồng ngoại tệ). Thông thường đồng USD sẽ phổ biến hơn cả trong hầu hết các hoạt động xuất khẩu trên thế giới. Xuất khẩu tiếng anh được gọi chung là Export.
Xem thêm: Incoterms là gì?
1.2. Kim ngạch xuất khẩu (Export turnover) là gì?
Kim ngạch xuất khẩu dùng để chỉ số tiền thu về của một quốc gia (hoặc một doanh nghiệp) sau hoạt động xuất khẩu một hoặc một số loại hàng hóa, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định (1 tháng/1 quý/1 năm). Cách tính kim ngạch xuất khẩu sẽ căn cứ lượng tiền này và quy đổi thống nhất về một đơn vị tiền tệ. Thông thường người ta sẽ dùng khái niệm kim ngạch xuất nhập khẩu để chỉ tổng của cả kim ngạch xuất lẫn nhập. Kim ngạch xuất khẩu tiếng anh thường dùng từ Export turnover.
Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu càng cao sẽ càng chứng tỏ được sự phát triển của quốc gia. Trong khi đó, nếu kim ngạch xuất khẩu không tốt bằng nhập khẩu sẽ là điều đáng lo ngại. Bởi đó là dấu hiệu kém phát triển, lạc hậu của cả một hệ thống.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng giá trị hàng xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 5/2019 (tức 15 ngày đầu của tháng 5) đạt 9.69 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu cả nước tính từ đầu năm tới hết ngày 15/5/2019 là 88.9 tỷ USD, tăng 6.7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) chiếm 69.1%, tức 61.43 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ với kim ngạch đạt khoảng 20 tỷ USD.
2. Vai trò của xuất khẩu đối với nền kinh tế
Xuất khẩu đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của một quốc gia, thậm chí mang tính vĩ mô trên toàn cầu. Hãy đọc nội dung phía dưới để hiểu kỹ hơn những vai trò cơ bản của xuất khẩu.
2.1. Phát triển doanh nghiệp:
Xuất khẩu mang đến doanh thu lớn cho doanh nghiệp. Thị trường kinh doanh giờ đây không chỉ còn bó hẹp trong một nước mà đã được hội nhập hóa, mang đến nguồn thu lớn hơn đổ về từ các quốc gia lân cận và cả những nơi cách xa hơn nửa vòng trái đất. Ngoài vấn đề ngoại tệ thu về, xuất khẩu sẽ tạo động lực để doanh nghiệp không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ của chính mình và ngày càng phát triển.
2.2. Quảng bá thương hiệu:
Đó không chỉ là thương hiệu của doanh nghiệp mà còn là thương hiệu của quốc gia trên thị trường quốc tế. Càng nhiều doanh nghiệp tạo được tên tuổi của mình sẽ góp phần khẳng định, nâng cao vị thế của quốc gia đó. Ví dụ rõ nhất bạn có thể thấy như khi nhắc đến Toyota, Honda, Toshiba,…người ta sẽ nghĩ ngay đến Nhật Bản. Trong khi đó Microsoft, Apple là thương hiệu quốc gia của Mỹ, Samsung, Hyundai là của Hàn Quốc.
2.3. Mang đến nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước:
Các quốc gia luôn khuyến khích doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu. Đây là cơ sở để tăng tích lũy ngoại tệ, cân bằng cán cân thanh toán, góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển.
2.4. Giúp nền kinh tế toàn cầu phát triển:
Yếu tố này mang tính vĩ mô. Khi sự lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia diễn ra xuyên suốt sẽ là động lực để thúc đẩy sản xuất của từng quốc gia phát triển. Càng nhiều quốc gia đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu, nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ tăng trưởng tốt.
3. Các hình thức xuất khẩu phổ biến
3.1. Xuất khẩu trực tiếp
Xuất khẩu trực tiếp là gì? Đây là hình thức xuất khẩu thông dụng hàng đầu hiện nay. Theo đó, bên mua hàng và đơn vị bán hàng sẽ trực tiếp ký kết hợp đồng ngoại thương với nhau. Với điều kiện hợp đồng này phải tuân thủ và phù hợp với pháp luật của từng quốc gia, đồng thời đúng tiêu chuẩn của điều lệ mua bán quốc tế.
Bên bán hàng có thể là đơn vị trực tiếp sản xuất ra mặt hàng, hoặc là công ty thương mại thu gom hàng trong nước rồi ký kết hợp đồng ngoại thương với đơn vị nước ngoài.
Dạng xuất khẩu trực tiếp có thể được áp dụng đối với mọi loại hình doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ. Ưu điểm của phương thức này là các doanh nghiệp sẽ được chủ động hơn trong hoạt động trao đổi, mua bán. Thương hiệu sẽ có tính chính danh, khẳng định được vị thế doanh nghiệp. Điều này góp phần tạo điều kiện phát triển về sau của doanh nghiệp trên trường quốc tế.
3.2. Xuất khẩu gián tiếp (ủy thác – Entrusted export)
Nếu áp dụng hình thức xuất khẩu này, bên bán hàng sẽ ủy thác quyền cho một đơn vị khác để thực hiện các thủ tục xuất khẩu. Bên nhận ủy thác lúc này sẽ đứng ra thực hiện hợp đồng ngoại thương với danh nghĩa của mình.
Hiện nay khá nhiều công ty forwarder sẽ làm dịch vụ này. Quy trình xuất khẩu gián tiếp là gì? Cụ thể, đơn vị nhận ủy thác và bên chủ hàng sẽ ký hợp đồng xuất khẩu ủy thác với nhau. Tiếp đó, đơn vị được ủy thác sẽ ký hợp đồng xuất khẩu, triển khai làm các thủ tục, giao hàng, thanh toán với bên mua hàng ở nước ngoài thay cho chủ hàng. Họ sẽ nhận được một mức phí dịch vụ xuất khẩu ủy thác tương ứng.
Hình thức ủy thác xuất khẩu này thường được các doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập sử dụng. Bởi lúc này họ chưa có đủ kinh nghiệm về thị trường xuất khẩu, cũng như có những hạn chế về nhân lực, rào cản thủ tục, quy định nhà nước,…
Xem thêm: Thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm tại Việt Nam
3.3. Gia công xuất khẩu
Gia công hàng xuất khẩu là gì? Đây là hình thức xuất khẩu đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ gần đây. Với loại hình này, thì công ty trong nước sẽ đóng vai trò như đơn vị gia công. Cụ thể họ sẽ nhận tư liệu sản xuất từ nước ngoài như máy móc, nguyên vật liệu. Sau đó sẽ dựa vào đơn đặt hàng để sản xuất hàng hóa theo yêu cầu. Số lượng hàng được sản xuất ra sẽ căn cứ chỉ định của người đặt hàng mà xuất khẩu ra nước ngoài.
Việt Nam là một trong những nước phát triển mạnh mẽ về gia công xuất khẩu. Sở dĩ được nhiều quốc gia chọn lựa là bởi Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ. Xét về khía cạnh chủ nhà, gia công xuất khẩu tạo điều kiện để người lao động có công ăn việc làm, nâng cao tay nghề, tiếp cận công nghệ mới. Lĩnh vực gia công xuất khẩu phổ biến hiện nay ở nước ta là da giày, dệt may, điện tử…
3.4. Xuất khẩu tại chỗ
So với các loại hình xuất khẩu cơ bản, thì xuất khẩu tại chỗ là hình thức khá tiện lợi và được ưa chuộng bởi những ưu thế nổi bật. Người mua vẫn là một công ty nước ngoài, nhưng hàng hóa không cần phải vượt qua biên giới quốc gia mà hoạt động xuất khẩu thực hiện ngay trên lãnh thổ của đơn vị bán hàng. On-spot export là thuật ngữ tiếng anh dùng để chỉ xuất khẩu tại chỗ.
Lợi ích của xuất khẩu tại chỗ là gì? Do không phải làm các thủ tục hải quan, mua bảo hiểm, thuê giao nhận vận tải,… nên doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn. Ví dụ, công ty A tại Việt Nam bán lô hàng cho một công ty B nước ngoài có chi nhánh/kho hàng tại Hải Phòng, Việt Nam. Công ty A được yêu cầu giao hàng tới địa chỉ kho hàng của công ty B mà không cần xuất khẩu ra nước ngoài thì được xem là hình thức xuất khẩu tại chỗ.
3.5. Tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất
Với tạm nhập tái xuất, nước chủ nhà chỉ được xem là nơi “quá giang” gửi hàng tạm. Hàng hóa chỉ được nhập vào lãnh thổ một thời gian trước khi xuất sang nước thứ ba.
Với tạm xuất tái nhập, hàng được xuất ra nước ngoài tạm thời một thời gian, sau đó lại nhập về nước ban đầu. Ví dụ Một công ty A của Việt Nam muốn tham gia triển lãm quốc tế nhằm quảng bá sản phẩm của mình. Vậy nên họ làm thủ tục tạm xuất vài mặt hàng mẫu ra nước ngoài (tạm xuất). Sau khi triển lãm kết thúc, hàng hóa này được nhập trở về (tái nhập).
3.6. Buôn bán đối lưu
Là một hình thức trao đổi hàng hóa. Lúc này người bán cũng sẽ là người mua, và người mua cũng sẽ trở thành người bán. Để thực hiện được giao dịch thì hàng hóa phải có giá trị tương đương. Tên gọi khác của phương thức này là hàng đổi hàng hoặc xuất nhập khẩu liên kết.
3.7. Xuất khẩu theo nghị định thư giữa các Chính phủ
Thường diễn ra giữa các quốc gia có mối quan hệ mật thiết. Chính phủ hai bên sẽ tiến hành ký kết nghị định (thường là để gán nợ). Các doanh nghiệp trong nước sẽ dựa vào văn bản ký kết với các chỉ định và hướng dẫn cụ thể để thực hiện xuất khẩu hàng hóa.
4. Các nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu là gì?
Tình hình xuất khẩu không phải là bất biến. Có những giai đoạn xuất khẩu phát triển mạnh nhưng cũng có những lúc đi xuống. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố ảnh hưởng. Từ nhân tố tác động bên ngoài cho đến các nhân tố nội tại của doanh nghiệp. Cụ thể:
4.1. Chiến lược, chính sách phát triển quốc gia:
Là những chiến lược kinh tế xã hội của Nhà Nước, hoặc những chính sách ưu đãi/hạn chế cụ thể đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành của Nhà nước liên quan xuất nhập khẩu
4.2. Tỷ giá hối đoái:
Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến xuất khẩu khá nhiều. Đây là tỷ giá trao đổi giữa các đồng tiền của các quốc gia. Hay được hiểu là giá của một đồng tiền quốc gia này được tính bằng hình thức tiền tệ của quốc gia khác. Ví dụ đầu tháng 6/2019, tỷ giá hối đoái của Yên Nhật (JPY, ¥) và Đô la Mỹ (USD, $) là 108. Tức 1 Đô la Mỹ sẽ tương đương giá trị của 108 Yên Nhật, của Đô la Mỹ và Việt Nam là 1 USD = 23400 VNĐ.
4.3. Khả năng sản xuất của từng quốc gia:
Là việc đảm bảo về nguồn hàng, chất lượng nguyên vật liệu cũng như trình độ khoa học của hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Nếu sản phẩm đáp ứng được thị hiếu quốc tế(sản phẩm đa dạng, mẫu mã đẹp, chất lượng đạt tiêu chuẩn, giá cả tốt,..) thì tiềm năng phát triển, khả năng cạnh tranh xuất khẩu quốc gia sẽ rất cao trên thị trường quốc tế. Việt Nam hiện nay yếu tố này còn nhiều hạn chế bởi mặt hàng xuất khẩu còn đơn sơ và chất lượng chưa ổn định.
4.4. Sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước về xuất khẩu:
Phải là sự cạnh tranh lành mạnh mới đảm bảo phát triển bền vững. Cạnh tranh giúp các doanh nghiệp hiện hành không ngừng đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu của mình.
Đồng thời cạnh tranh cũng góp phần đào thải những doanh nghiệp yếu kém, chưa đủ năng lực.
4.5. Cơ sở vật chất của đất nước:
Là hệ thống giao thông vận tải, cầu đường, cảng tàu, hệ thống quản lý, công nghệ,… nhằm đảm bảo giao dịch xuất khẩu diễn ra suôn sẻ, an toàn, nhanh chóng.
4.6. Khả năng của bản thân doanh nghiệp:
Bao gồm cơ sở vật chất, chiến lược phát triển, khả năng lãnh đạo quản lý cũng như khả năng tài chính của doanh nghiệp.
4.7. Tình hình kinh tế, tài chính, chính trị của thế giới:
Là yếu tố vĩ mô nhưng có khả năng tác động cực kỳ mạnh mẽ tới thị trường xuất nhập khẩu. Một cuộc chiến về thương mại hay sự suy thoái kinh tế mang tính toàn cầu sẽ làm xuất khẩu của mọi quốc gia rơi vào trạng thái khó khăn.
Ngoài ra các yếu tố như vị trí địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, chính sách thương mại của quốc gia mua hàng,…cũng có khả năng tác động không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu.
II. Thực trạng xuất khẩu hàng hóa ở Việt Nam hiện nay là gì?
Theo Bộ Công Thương, 2011-2018 là giai đoạn tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam; trong đó, tăng trưởng xuất khẩu vượt mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu trong 8 năm tăng gấp 2,51 lần (từ 96,91 tỷ USD năm 2011 lên 243,48 tỷ USD vào năm 2018). Việt Nam đã nhanh chóng cải thiện vị thế trên bản đồ xuất nhập khẩu thế giới.
Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nếu như năm 2007, Việt Nam đứng thứ 50 thì đến năm 2017, đã vươn lên vị trí thứ 27 về xuất khẩu. Với kết quả ấn tượng của xuất nhập khẩu trong năm 2018, thứ hạng xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục được cải thiện trên bảng xếp hạng, giữ vững vị trí trong số những quốc gia có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất.
Xét về quy mô thị trường xuất khẩu, nếu năm 2011, Việt Nam chỉ có 24 thị trường xuất khẩu, đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó có 3 thị trường trên 10 tỷ USD) thì đến năm 2018, có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó, 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 7 thị trường trên 5 tỷ USD).
Trong giai đoạn 2011-2018, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp tục đẩy mạnh khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường quan trọng của Việt Nam là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng trưởng cao trong giai đoạn 2011-2018 (Bảng 2). Trong đó, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường có tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất, với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 21,7% và 21,5%.
Đặc biệt, 2018 là năm đạt nhiều kỷ lục về xuất khẩu hàng hóa. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước, đạt 480,17 tỷ USD, tăng hơn 52 tỷ USD so với kết quả thực hiện của năm 2017. Trong đó, xuất khẩu thiết lập những kỷ lục mới với kim ngạch đạt gần 243,5 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7-8%; chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 8-10%). Nếu tính theo giá trị tuyệt đối, xuất khẩu năm 2018 tăng thêm 28,36 tỷ USD so với năm trước. Nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta trong năm 2018 là điện thoại và linh kiện các loại với trị giá ghi nhận lên đến 49,1 tỷ USD, chiếm 1/5 tổng trị giá hàng xuất khẩu.
2018 cũng là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu của Việt Nam, khi mức thặng dư kỷ lục lên gần 6,8 tỷ USD (cao hơn rất nhiều so với năm 2016 là 1,78 tỷ USD và năm 2017 là 2,11 tỷ USD). Trong năm 2018, Việt Nam có thặng dư cán cân thương mại với 150 nước, vùng lãnh thổ và có thâm hụt với 85 nước, vùng lãnh thổ. Về việc duy trì xuất siêu, Việt Nam đã đạt xuất siêu trong 6 năm kể từ năm 2012 đến nay, chỉ duy nhất năm 2015 có cán cân thương mại thâm hụt. Kết quả này đã góp phần cân bằng cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế.
Điểm sáng khác trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua là DN ngày càng chủ động tham gia tìm kiếm thị trường, tích cực hội nhập, qua đó khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2018 có 85,6 nghìn DN có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, trong khi năm 2017 mới chỉ có 79,8 nghìn DN. Ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 100 nghìn DN xuất nhập khẩu hàng hóa…
Không chỉ chủ động tham gia các hoạt động ngoại thương, các DN cũng tận dụng tốt hơn cơ hội từ hội nhập. Theo đó, ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội, thị phần xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm được khẳng định. Tăng trưởng xuất khẩu trên nhiều thị trường, đạt mức hai con số như: Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2017; Xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 24,74 tỷ USD, tăng 13,9%; Xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 18,85 tỷ USD, tăng 11,8%, xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD, tăng 22,8%.
Nhiều mặt hàng xuất đã khẩu tận dụng tốt cơ hội từ cắt giảm thuế quan tại các thị trường có FTA để tăng trưởng. Sau khi Hiệp định AANZFTA có hiệu lực, với mức thuế suất thuế nhập khẩu về 0%, xuất khẩu điều sang Australia tăng trưởng bình quân đạt 12,9%/năm; Thủy sản đạt 6,9%/năm; Hồ tiêu xuất khẩu sang Nhật Bản tăng trưởng đạt 12,8%/năm; Cà phê đạt 8,0%/năm sau khi Hiệp định VJFTA có hiệu lực; hay hồ tiêu xuất khẩu sang Ấn Độ tăng trưởng đạt 14,3%/năm, thủy sản đạt 12,3% năm sau khi Hiệp định AIFTA có hiệu lực; sau khi Hiệp định Việt Nam – EAEU có hiệu lực, hạt điều xuất khẩu sang Liên bang Nga tăng 59,6%, rau quả tăng 19,9%, dệt may tăng 53,5%…
Bước vào năm 2019, trước diễn biến tình hình chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng, song hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tương đối khả quan. Báo cáo kinh tế – xã hội do Tổng cục Thống kê công bố, tính chung 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 30,33 tỷ USD, tăng 11,6%, chiếm 30,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 70,41 tỷ USD, tăng 4,7%, chiếm 69,9% (tỷ trọng giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
Trong 5 tháng, có 19 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: Điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 19,9 tỷ USD, chiếm 19,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12,3 tỷ USD, tăng 11,1%; hàng dệt may đạt 12,1 tỷ USD, tăng 10,3%; giày dép đạt 7,1 tỷ USD, tăng 14,3%…
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 109,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 58,4%; hàng dệt may tăng 9,8%. Tiếp đến là thị trường EU đạt 17,3 tỷ USD, tăng 1,9%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 21,1%; giày dép tăng 7,1%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 3,2%.
Trung Quốc đạt 13,4 tỷ USD, giảm 2,6%, trong đó thủy sản giảm 11,8%; điện thoại và linh kiện giảm 56,6%; gạo giảm 78,7%. Thị trường ASEAN đạt 10,6 tỷ USD, tăng 5,2%, trong đó hàng dệt may tăng 31,6%; sắt thép tăng 19,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 12,8%… Đây là kết qua khá ấn tượng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang, cùng với những động thái giữa Mỹ – Ấn cho thấy, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra cho cả năm 2019.
Với dung lượng bài viết khá dài trên đây, Aramex hi vọng các bạn đã có những định nghĩa cho riêng mình về xuất khẩu là gì và những thông tin có liên quan đến vấn đề này. Hãy liên hệ với Aramex để nhận được thông tin tốt nhất nhé!